Nhân sự – Tiền lương: Nghề nhiều áp lực…hấp dẫn

Nhân sự – Tiền lương: Nghề nhiều áp lực…hấp dẫn

nhan su tien luong

nhan su tien luong

Trước đây, đa phần các doanh nghiệp (DN) tư nhân chỉ chú trọng đến quản lý sản xuất, phát triển kinh doanh mà “bỏ rơi” các vấn đề về quản lý nhân sự. Khi kinh doanh phát triển, quy mô DN nâng lên, họ trở nên lúng túng vì nguồn nhân lực đông, tổ chức lộn xộn, tỷ lệ nhân viên bỏ việc nhiều vì sự cạnh tranh, giành giật lao động (LĐ) trên thương trường ngày càng khốc liệt… Vì thế, nghề nhân sự – tiền lương ngày càng có chỗ đứng bởi các DN đã biết xem con người là tài sản quý giá nhất của công ty.

Nghề Nhân sự – tiền lương: Chuyên môn + kỹ năng mềm

 Trên một webiste rao tuyển nhân viên nhân sự – tiền lương có hàng loạt yêu cầu được đặt ra cho người LĐ: kiểm soát, tổng hợp bảng chấm công, tính lương, thưởng và in phiếu lương cho nhân viên hàng tháng; thực hiện các chế độ, thủ tục liên quan đến BHXH, BHYT, BHTN, đảm bảo cho nhân viên công ty được hưởng đầy đủ quyền lợi về BHXH, BHYT, BHTN; đăng ký mã số thuế TNCN cho nhân viên, hỗ trợ quyết toán thuế TNCN; xây dựng quy trình ISO cho các công việc có liên quan đến việc tính lương; theo dõi việc nghỉ phép của nhân viên trong công ty; tham gia vào việc xây dựng và hoàn thiện chính sách lương, thưởng, đãi ngộ của công ty; cập nhật, quản lý, lưu trữ hồ sơ giấy tờ thuộc bộ phận nhân sự… 

Đọc những mô tả công việc trên, có thể bạn sẽ thấy choáng nhưng đừng vội nản lòng vì tính thách thức của nghề nhân sự – tiền lương có sức hấp dẫn riêng.

Gắn bó với nghề nhân sự – tiền lương nhiều năm, chị Phạm Thị Minh Tâm, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Tuấn Lộc, cho biết: “Một nhân viên nhân sự – tiền lương phải tham gia trực tiếp công tác tuyển dụng, hướng dẫn hội nhập môi trường cho những LĐ mới vào nhận việc, phối hợp đánh giá kết quả thử việc, lập quyết định tuyển dụng chính thức, soạn thảo hợp đồng LĐ, quản lý hồ sơ, lý lịch của người LĐ, thực hiện chấm công, tính lương, phát lương, giải quyết các chế độ liên quan đến lương và phúc lợi của người LĐ, liên hệ phòng LĐ, cơ quan bảo hiểm làm các thủ tục về LĐ – tiền lương, bảo hiểm, quản lý việc nghỉ phép năm, thai sản, nghỉ việc, đề xuất khen thưởng, kỷ luật, xử lý những tranh chấp phát sinh trong quan hệ LĐ…”. 

Để làm việc trong lĩnh vực này, người LĐ cần đáp ứng những yêu cầu nghề nghiệp sau: tốt nghiệp trung cấp trở lên các ngành quản trị kinh doanh, quản lý công nghiệp, quản trị nhân sự, LĐ tiền lương, hành chánh văn phòng, kế toán, quản lý nguồn nhân lực

Ngoài ra, còn cần có những kỹ năng mềm để phục vụ công việc như khả năng giao tiếp tốt, giỏi vi tính văn phòng, khả năng soạn thảo văn bản, lập báo cáo, có kiến thức về luật LĐ, bảo hiểm, đọc hiểu tiếng Anh chuyên ngành… Thu nhập tham khảo: người mới ra trường có thể nhận mức lương 5 triệu đồng/tháng; người có kinh nghiệp thu nhập từ 10 triệu đồng/tháng trở lên. 

Biết lắng nghe và chia sẻ
Nhân sự - Tiền lương: Nghề nhiều áp lực...hấp dẫn

Đây là nghề được nhiều người ví như “làm dâu trăm họ” nên kỹ năng lắng nghe và chia sẻ là rất quan trọng. Bạn cần phải đằm tính, kiên nhẫn và cẩn thận, có khả năng thấu hiểu và quan tâm đến người khác, bởi nghề này buộc bạn phải giao tiếp với nhiều người. Do vậy, bạn cần xác định rõ mình có thích tìm hiểu về người khác, thích làm việc với nhiều người hay không trước khi chọn làm nhân sự – tiền lương

Bà Trần Thị Hạnh – Giám đốc nhân sự Công ty PEB Steel Buildings nhìn nhận: “Đặc tính của nghề nhân sựtiền lương là giải quyết những vấn đề thuộc về con người. Đôi khi, một quyết định về nhân sự – tiền lương sẽ mang lại những ảnh hưởng thỏa đáng với người này nhưng không làm hài lòng người khác. Vì thế, bạn phải luôn rèn luyện cho mình tính kiên định, làm việc gì cũng có lý do rõ ràng, lập luận logic, tránh bị lung lay bởi những tác động ngoại cảnh. Đây cũng là áp lực mà bạn cần xác định rõ để vượt qua, vì xây dựng kỹ năng về con người luôn là điều cực kỳ khó”. 

Không như lĩnh vực kinh doanh, sản xuất, kết quả công việc được thể hiện rõ ràng, cụ thể; lợi ích, thành quả của công tác nhân sự mang lại cho DN đôi khi không được “nhìn thấy” một cách trực tiếp nên nhiều DN không trân trọng thỏa đáng đối với những người làm công việc này. Nghề này mang lại cho DN kết quả rất âm thầm, nhiều lúc đến khi bạn ra đi, DN mới nhận ra sự đóng góp của bạn. Do vậy, nhiều người có thâm niên trong nghề cho rằng, đây là một “rào cản” khiến những bạn mới bước chân vào nghề dễ nản lòng, không “trụ” được. 

Nhận định về nhu cầu thị trường đối với nghề nhân sự – tiền lương hiện nay, bà Trần Thị Hạnh nói: “Những cạnh tranh giữa các DN như nâng hệ thống lương, phúc lợi nhằm khuyến khích người LĐ, hạn chế tối đa tỷ lệ nghỉ việc, ngăn ngừa tình trạng chảy máu chất xám… làm cho nhu cầu tuyển chuyên viên nhân sự – tiền lương ngày càng tăng cao. Nếu các DN vừa và nhỏ trước đây chỉ cần người làm công tác tổ chức hành chánh thì bây giờ, họ đã đầu tư nguồn nhân lực cho mảng nhân sự – tiền lương”.

5/5 - (1 bình chọn)
(028) 7777 9979