Thưởng cuối năm như thế nào để nhân viên hào hứng nhất

Thưởng cuối năm như thế nào để nhân viên hào hứng nhất

thuong tet

thuong tet

Nên thưởng cuối năm cho nhân viên bằng tiền, hiện vật hay thứ gì khác có ý nghĩa?

Có thể bạn đã biết, Bộ Luật Lao động mới đã mở rộng khái niệm tiền thưởng cuối năm ra rộng hơn – không chỉ là tiền mà còn bằng bất kỳ hình thức và hiện vật nào khác. Quy định này được áp dụng từ ngày 1/1/2021.

Vừa khéo thay, luật mới được ban hành đúng vào những ngày cuối năm 2019, khiến câu chuyện xoay quanh chủ đề thưởng Tết nóng lên hơn bao giờ hết. Khắp các diễn đàn, mạng xã hội và trong các cuộc giao tiếp hằng ngày của người lao động đều rộ lên nhiều ý kiến trái chiều. Nhân viên mong đợi gì ở thưởng Tết? Liệu chủ doanh nghiệp có nên thay đổi điều gì hay không?

Một số chủ doanh nghiệp tỏ ra đồng tình, bởi quan điểm của họ là “Bộ Luật Lao động không quy định bắt buộc, nên doanh nghiệp thậm chí có thể không cần thưởng Tết cho nhân viên.”

Tuy nhiên, nhiều kết quả khảo sát trên ý kiến của người lao động đã khẳng định: Rõ ràng, quy định về thưởng Tết có ảnh hưởng rất lớn tới đội ngũ nhân sự và văn hoá doanh nghiệp.

Cụ thể, theo kết quả khảo sát của VietnamWorks, 40% sẽ quyết liệt đưa ra lời kiến nghị nếu thưởng Tết bị cắt giảm, và có tới 1/4 nhân viên quyết định sẽ nghỉ việc.

thưởng cuối năm cho nhân viên

Còn về loại hình thưởng tết, dường như người lao động rất chắc chắn về nguyện vọng của mình.

Kết quả sau 02 ngày thực hiện khảo sát của hai trang Facebook uy tín Trung tâm Tin tức VTV24 và Thời sự VTV đã chỉ ra tỷ số hoàn toàn áp đảo: hình thức thưởng bằng tiền được ưa chuộng hơn hẳn, với 37 nghìn trên tổng số hơn 43.7 nghìn lượt bình chọn (chiếm khoảng 85%).

khảo sát về hình thức thưởng cuối năm

Khoan đã! Đừng vội nghĩ rằng cách thưởng Tết tuyệt vời nhất là đưa tận tay xấp tiền mặt cho nhân viên. Trên thực tế, bạn có nhiều hình thức khác – với sự mới mẻ độc đáo hơn và vẫn được nhân viên hào hứng đón nhận.

Cùng EMSC tham khảo top 5 hình thức trao thưởng cuối năm thực tiễn và được nhân viên mong đợi nhất nhé!

I. Top 5 hình thức trao thưởng cuối năm cho nhân viên thực tiễn và được mong đợi nhất

1. Hình thức thứ nhất: Thưởng tiền

Đúng, chính là tiền. Tiền là phương tiện thanh toán hợp pháp và dễ dàng giao dịch nhất đối với tất cả mọi người. Chẳng vậy mà hầu hết người lao động đều muốn được nhận tiền để có thể tự do quy đổi theo cách mà họ muốn, nhất là trong dịp năm hết Tết đến cần chi tiêu mua sắm rất nhiều.

Vậy còn từ góc nhìn của bạn và doanh nghiệp, hình thức trao thưởng bằng tiền có một số lợi – hại ra sao?

thưởng cuối năm
Điểm mạnh:
  • Phù hợp với nguyện vọng của đa số nhân viên, đặc biệt là những người có mức thu nhập thấp đang cần chi tiêu bằng tiền mặt
  • Chỉ cần thưởng một số tiền nhất định, không phải lo về cách chuyển đổi nó thành vật hữu hình ra sao
  • Trao tận tay nhân viên một cách nhanh – gọn – lẹ, ngay cả khi nhân viên không có mặt tại nơi làm việc
  • Có thể kê khai một cách chính xác, minh bạch trong các báo cáo tài chính
  • Tính toán được giá trị phần thưởng chính xác cho mỗi nhân viên (VD: 2.000.000 VNĐ, 5.500.000 VNĐ, 46.750.000 VNĐ,…)
Điểm yếu:
  • Cần thống nhất một chính sách tính toán tiền thưởng chi tiết và hợp lý, nếu không sẽ xảy ra tình trạng so bì, tị nạnh.
Một số cách thưởng Tết bằng tiền bạn có thể áp dụng:
  • Cất tiền mặt vào trong bao lì xì/phong bì của riêng cá nhân và gọi tên từng nhân viên lên trao thưởng cùng với tiền thưởng tháng/quý và các bằng khen, giấy chứng nhận (nếu có)
  • Treo tất cả bao lì xì lên một cây đào và để nhân viên lên “rút thăm nhận thưởng”
  • Cộng trực tiếp vào tiền lương tháng của nhân viên (bao gồm cả hình thức trả lương bằng tiền mặt và chuyển khoản qua thẻ ngân hàng)
2. Hình thức thứ hai: Thưởng cổ phiếu ESOP

ESOP (Employee Stock Ownership Plan) là kế hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho nhân viên trong công ty. Cổ phiếu ESOP thường được phát hành với giá ưu đãi kèm một số điều kiện như không được phép chuyển nhượng trong khoảng thời gian từ 1-3 năm,…

Thông thường, ESOP được các doanh nghiệp áp dụng với những nhân viên đạt đến tiêu chí nhất định nào đó như người có tài và đạt thành tích top 1 công ty, có thâm niên lâu năm, các nhân sự chủ chốt,… Tuy nhiên, bạn cũng có thể xem xét việc trao thưởng cuối năm cho nhân viên bằng loại cổ phiếu này, nếu như công ty bạn đã đạt đủ tiêu chuẩn để phát hành, và sau khi bạn đã cân nhắc một vài lợi – hại sau của nó:

Điểm mạnh:
  • Cổ phiếu ESOP không cần ghi nhận vào chi phí lương thưởng, giúp giảm đáng kể thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân
  • Vốn điều lệ tăng lên do số lượng cổ phần tăng, lợi nhuận được giữ lại để tái đầu tư
  • Nếu doanh nghiệp bạn đang tăng trưởng ổn định, khoản thưởng cổ phiếu sẽ có phần “hậu hĩnh” hơn so với tiền mặt do giá trị ước tính tăng lên theo cùng tốc độ tăng trưởng. 
  • Giữ chân nhân viên tốt hơn, vì nhân viên phải gắn bó với công ty ít nhất đủ khoảng thời gian điều kiện (ví dụ như 3 năm) để có thể giao dịch số cổ phiếu đó.
  • Có thể phân tách rõ ràng các mức thưởng cho nhân viên: Ví dụ, mức thưởng 1 tương ứng với X cổ phiếu, mức thưởng 2 tương ứng với Y cổ phiếu mà X nhỏ hơn Y,…)
Điểm yếu:
  • Không đáp ứng được nhu cầu chi tiêu cấp thiết của nhân viên
  • Nếu lượng cổ phiếu tăng quá nhiều sẽ làm pha loãng giá trị của mỗi cổ đông, có thể dẫn tới xung đột lợi ích giữa các bên nắm giữ cổ phiếu
  • Về lâu dài có thể nảy sinh tâm lý tiêu cực “nhân viên nào được nhận cổ phiếu ESOP mới cần gắn bó”.
3. Hình thức thứ ba: Thưởng các sản phẩm/dịch vụ do công ty cung cấp

Nếu như bạn đã tìm đọc các ý kiến phản đối của người lao động xoay quanh bộ luật mới “thưởng bằng hiện vật”, chắc hẳn bạn đã nghĩ ngay tới sự tiêu cực trong hình thức thưởng Tết này, với những sự lo lắng như: “Như vậy khác gì xả kho bán lại cho chính nhân viên, tôi không có nhu cầu sử dụng những thứ đồ đó!”, “Đây chính là tiếp tay cho các công ty khai khống lên, phần thưởng trị giá 1 triệu đồng chẳng hạn, nhưng thực chất quy đổi ra tiền mặt chỉ có vài trăm nghìn.”

Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là bạn không thể trao thưởng cuối năm cho nhân viên bằng hiện vật – nhất là những sản phẩm hay dịch vụ mà đang sẵn có. Miễn là bạn thấy doanh nghiệp của mình đang sở hữu trong tay những hiện vật phù hợp.

Cùng điểm qua một vài nhìn nhận phổ biến về hình thức này khi đứng từ phía bạn và doanh nghiệp.

Điểm mạnh:
  • Tiết kiệm chi phí, doanh nghiệp không cần chi ra một khoản tiền lớn mà tận dụng các tài nguyên có sẵn
  • Thúc đẩy việc sản xuất và tiêu thụ hàng hoá/dịch vụ của doanh nghiệp
  • Đặc biệt tiện lợi khi doanh nghiệp đang còn hàng hoá tồn kho hoặc các dịch vụ bỏ ngỏ mà khách hàng chưa sử dụng hết
Điểm yếu:
  • Không đáp ứng được nhu cầu chi tiêu cấp thiết của nhân viên
  • Dễ gặp phải trường hợp sản phẩm không đáp ứng đúng nguyện vọng và tiêu chí chất lượng của nhân viên (trong khi số lượng có thể vượt mức dẫn tới thừa thãi). Ví dụ: trao thưởng 10 hộp bánh giống nhau, hay bộ dụng cụ nấu ăn mà nhân viên đã sở hữu sẵn tại nhà,…
  • Hạch toán chi phí cần đặt ra nhiều câu hỏi (ví dụ: tính giá hàng hoá đó theo giá gốc mà doanh nghiệp sản xuất, hay theo giá bán cho đại lý, giá bán ra ngoài thị trường?)
  • Khó phân tách rõ ràng và tạo ra sự hài lòng giữa các mức thưởng khác nhau cho nhân viên. Ví dụ: Nếu nhân viên cấp thấp được trao thưởng 10 hộp bánh, liệu một nhà quản lý có vui vẻ nhận thưởng là 100 hộp hay không?
  • Có thể nảy sinh và lan truyền tâm lý phẫn nộ hoặc các tin đồn tiêu cực.

Một số lĩnh vực hoạt động doanh nghiệp phù hợp để trao thưởng cho nhân viên bằng hàng hoá/dịch vụ có sẵn:

  • Doanh nghiệp sản xuất – phân phối bánh kẹo, nước ngọt, hoa quả sạch, đồ ăn liền
  • Doanh nghiệp thiết kế – sản xuất – xuất khẩu quần áo, trang phục
  • Doanh nghiệp sản xuất – phân phối đồ điện tử – điện lạnh
  • Doanh nghiệp chăm sóc, buôn bán hoa và cây cảnh (đào, mai, quất cảnh,…)
  • Doanh nghiệp gia công – buôn bán vàng bạc, trang sức,…
  • Doanh nghiệp / Cơ sở y tế có các dịch vụ khám sức khoẻ toàn diện
  • Doanh nghiệp làm trong lĩnh vực du lịch, nhà hàng,…

Lưu ý rằng bạn có thể cân nhắc linh hoạt giữa việc chọn loại hàng hoá/dịch vụ để trao thưởng cho tuỳ đối tượng nhân viên. Ví dụ: với các quản lý cấp cao, các dịch vụ hoặc sản phẩm cao cấp có thể là hiện vật ưa thích; còn với đội ngũ nhân viên cấp dưới, những sản phẩm bình dân hơn nhưng thiết thực với đời sống sẽ được ưa chuộng.

4. Hình thức thứ tư: Thưởng các hiện vật khác không có sẵn trong doanh nghiệp

Hình thức này được cho là pha trộn giữa hình thức trao thưởng cuối năm bằng tiền mặt và bằng sản phẩm/dịch vụ có sẵn trong doanh nghiệp, bởi vậy nên ưu nhược điểm của nó cũng có phần dễ so sánh và xác định. Cụ thể:

So sánh với hình thức trao thưởng cuối năm bằng tiền mặt:
  • Doanh nghiệp vẫn cần chi trả ngân sách để mua về các hiện vật từ nhà cung cấp khác, tuy nhiên phần thưởng sẽ có yếu tố bất ngờ và thú vị hơn
  • Nếu doanh nghiệp bạn có một khách hàng thân thiết hoặc đối tác kinh doanh trong lĩnh vực vàng bạc – trang sức hoặc đồ điện tử – điện lạnh,… bạn hoàn toàn có thể lựa chọn phần thưởng là những sản phẩm của họ. Điều này giúp gắn kết thêm mối quan hệ giữa hai doanh nghiệp.
  • Nếu doanh nghiệp có ít nhân sự, bạn có thể dành ra thêm một chút công sức để khảo sát/thăm dò về mong muốn của từng nhân viên và trao thưởng cho họ hiện vật đó. Mọi thứ sẽ giống như việc bạn vẫn thưởng tiền mặt cho nhân viên, đồng thời còn giúp họ đi mua sắm vậy.
So với hình thức trao thưởng cuối năm bằng sản phẩm/dịch vụ có sẵn của doanh nghiệp:
  • Rất rõ ràng, những tin đồn tiêu cực như “công ty lợi dụng thưởng Tết để xả kho” hay hàng hoá kém chất lượng,… sẽ được hạn chế đáng kể, bởi hiện vật trong trường hợp này là mua về từ nhà cung cấp bên ngoài.
  • Hiện vật không bị giới hạn trong “kho” có sẵn nữa mà được lựa chọn linh hoạt, nên có khả năng cao hơn sẽ thiết thực hơn và đáp ứng đúng nguyện vọng của nhân viên
  • Việc hạch toán chi phí cũng minh bạch hơn, với hoá đơn đỏ và giá được niêm yết sẵn bởi nhà cung cấp
  • Dễ dàng phân biệt các mức thưởng với nhau. Ví dụ: một cấp là chiếc lò vi sóng, một cấp là tủ lạnh, một cấp là tivi màn hình LED với độ phân giải cao,…
5. Hình thức thứ năm: Thưởng kết hợp

Thông thường, các doanh nghiệp sẽ lựa chọn trao thưởng cuối năm cho nhân viên bằng cách kết hợp linh hoạt giữa các loại hình trên.

Có hai cách kết hợp phần thưởng:
  • Mỗi cấp độ thưởng tương ứng với một loại hình phần thưởng: Ví dụ: nhân viên level 1 được thưởng hàng hoá có sẵn trong công ty, nhân viên level 2 được thưởng hiện vật mua ngoài, nhân viên level 3 là tiền mặt, và cổ phiếu ESOP chỉ dành cho các nhân sự chủ chốt trong doanh nghiệp là cấp quản lý trở lên.
  • Mỗi nhân viên được trao nhiều loại hình phần thưởng khác nhau, trong đó có một loại hình là cốt lõi, và 1-2 phần thưởng phụ khác. Ví dụ: Mỗi nhân viên được nhận một mức thưởng tiền mặt khác nhau, nhưng tất cả họ đều được thưởng thêm một giỏ quà nhỏ bao gồm bánh kẹo – hoa quả dùng cho ngày Tết.
thưởng cuối năm bằng giỏ quà tết

II. Lưu ý để việc trao thưởng cuối năm cho nhân viên dễ thực hiện hơn và không xảy ra sai sót

1. Đâu là thời điểm trao thưởng cuối năm phù hợp?

Đối với người Việt Nam, thời điểm “cuối năm” thường được hiểu theo hai nghĩa: năm dương lịch (cuối tháng 12) hoặc năm âm lịch (cuối tháng Chạp, giáp Tết Nguyên Đán). Trong đó, các quy định, chính sách mới được ban hành hay các chỉ số kinh doanh thường được tính toán theo tháng/quý/năm dương lịch; còn các buổi year-end party và trao thưởng cuối năm thường được tính theo âm lịch, hoà chung vào không khí mua sắm rộn ràng của kỳ nghỉ lớn nhất năm.

Bởi vậy, trao thưởng cuối năm còn có tên gọi phổ biến hơn là thưởng Tết, thường được các doanh nghiệp tổ chức cùng ngày hoặc sớm hơn một chút so với year-end party. Số tiền hoặc hiện vật được thưởng sẽ được sử dụng luôn vào thời điểm đó cho thiết thực.

2. Xác định giá trị của phần thưởng cuối năm dựa trên công thức nào?

Trước hết, doanh nghiệp cần dự trù khoản chi phí có thể chi trả cho trao thưởng cuối năm. Con số này phụ thuộc vào nguồn ngân sách hiện tại, tình hình cân đối thu – chi của doanh nghiệp và kết quả kinh doanh trong năm vừa qua.

Sau khi đã có con số chung, đây là lúc bạn lựa chọn cách thức xác định giá trị của phần thưởng của từng nhân viên sao cho tổng thể cộng lại của chúng tương đương với con số ước tính ở trên.

Cũng bởi pháp luật không quy định chặt chẽ, nên bạn có thể cùng BOD bàn luận và lựa chọn ra công thức phù hợp. Thông thường, mỗi doanh nghiệp sẽ giữ công thức này cố định qua các năm, nhưng không loại trừ trường hợp doanh nghiệp có sự thay đổi lớn dẫn tới cần thiết phải/nên thay đổi chính sách này.

Một số công thức xác định phổ biến nhất:

  • Tất cả nhân sự được trao một mức thưởng cố định bằng nhau
  • Mức thưởng là “tháng lương thứ 13” của mỗi nhân viên. 
  • Phân cấp theo level năng lực nhân sự

Lưu ý rằng đi kèm công thức xác định mức thưởng thường là công thức tính toán hệ số thưởng – nhằm dùng thêm một yếu tố đánh giá khác để tăng/giảm giá trị phần thưởng của nhân viên:

  • Hệ số theo thâm niên làm việc tại doanh nghiệp: đang thử việc, dưới 3 tháng, 3-6 tháng, 6-12 tháng, một năm trở lên,…
  • Hệ số theo kết quả đánh giá nhân viên cuối năm (end of year performance review): điểm A+ là 120% mức thưởng, A là 100%, giảm dần xuống B, C, D,…
3. Ai là người phụ trách việc trao thưởng cuối năm cho nhân viên?

Tuỳ vào cơ chế xác định mức thưởng và hình thức trao thưởng của doanh nghiệp mà sẽ có các bộ phận liên quan, phụ trách các nhiệm vụ khác nhau. Ví dụ:

  • Bộ phận Hành chính: Công bố quyết định và chính sách trao thưởng cuối năm tới toàn thể nhân viên
  • Bộ phận Nhân sự: Tổng kết kết quả đánh giá nhân viên, sử dụng công thức để tính toán giá trị phần thưởng
  • Bộ phận Mua hàng: Tìm mua và vận chuyển hàng hoá (nếu có)
  • Bộ phận Kế toán: Phụ trách ghi nhận các khoản thu – chi, quyết toán.
4. Món quà tinh thần có thực sự cần thiết trong trao thưởng cuối năm?

Cũng giống như tầm quan trọng của thưởng Tết đối với nhân viên – không bắt buộc nhưng nếu không có sẽ dẫn tới vô vàn ảnh hưởng tiêu cực, yếu tố “tinh thần” luôn cần được đề cao trong trao thưởng cuối năm.

Thử nghĩ mà xem, một khi đã chọn thời điểm trao thưởng là những ngày giáp Tết, tại sao bạn không tận dụng không khí ấy và đưa doanh nghiệp hoà chung vào? Nhân viên của bạn ai nấy cũng đều háo hức, một chút trải nghiệm tinh thần đúng lúc sẽ khiến họ hài lòng hơn biết bao nhiêu!

Kể cả phần thưởng của doanh nghiệp năm nay có “hành tráng” hay chỉ “bình dân”, đừng bao giờ im lặng trao cho có, mà hãy khéo léo lồng ghép yếu tố tinh thần vào đó (kể cả là những trò đùa vui vẻ). Điều này sẽ mang lại vô số lợi ích cho sự gắn kết nhân viên – một vấn đề quản trị nhân sự mà dẫu có nhiều tiền cũng không thể giải quyết được.

Thử tham khảo một số mẹo nhỏ giúp nhân viên của bạn hạnh phúc hơn khi nhận thưởng cuối năm:

  • Trích một phần nhỏ quỹ thưởng và biến chúng thành lì xì cho con nhỏ của các nhân viên
  • Trao cho mỗi nhân viên một chiếc thiệp viết tay hoặc giấy chứng nhận xinh xắn
  • Một hộp phần thưởng cuối năm kiêm quà Tết “bí mật”, dặn dò nhân viên chỉ được mở ra vào đêm giao thừa
  • Tặng kèm quà là một túi hạt mầm hoặc chậu cây non để nhân viên mang về nhà chăm sóc, nhằm truyền thông thông điệp “Nuôi mầm ước mơ”.
  • Trao thưởng câu đối hoặc tranh chữ thư pháp viết tên nhân viên
  • Một quyển lịch năm mới có in logo doanh nghiệp cùng các hình ảnh/nội dung có ý nghĩa 
  • Một bài thơ cảm ơn và chúc Tết,…

Kết luận

Ngay lúc này, không khó để nhận ra mối quan tâm về trao thưởng cuối năm hay còn gọi là thưởng Tết của nhân viên trong doanh nghiệp bạn. Nếu bạn đã lựa chọn được hình thức và các chính sách xoay quanh rồi, còn chần chừ gì nữa mà chưa “bật mí” một chút về điều tuyệt vời ấy cho nhân viên?

Chúc bạn luôn nắm bắt được nguyện vọng của nhân viên và trao cho họ những phần thưởng đúng với mong đợi nhé. Sự hài lòng và tin yêu dành ngược lại cho doanh nghiệp cũng chính là món quà ý nghĩa nhất cho bạn vào năm mới này! Chúc bạn thành công!

Rate this post
(028) 7777 9979