Dịch Covid-19 ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến các hoạt động của doanh nghiệp. Để đảm bảo hoạt động sản xuất cũng như kinh doanh, một số doanh nghiệp đã cấm nhân viên đi nước ngoài vào dịp này. Vậy doanh nghiệp làm như vậy có đúng với quy định của pháp luật hay không?
Trong thời gian gần đây rất nhiều bạn đặt cùng một câu hỏi: Tôi đang làm việc tại một doanh nghiệp . Tôi đã xin nghỉ phép để du lịch nước ngoài và đã được chủ DN cấp phép. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đang lan rộng, chủ DN đã hủy quyết định và không đồng ý cho tôi thực hiện chuyến đi đó, dù tôi đã đặt vé máy bay.
Xin được nói thêm là nơi tôi đến không nằm trong vùng khuyến cáo của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Mỹ (CDC). Vậy với trường hợp của tôi, chủ DN xử lý như vậy có đúng không? Vé máy bay của tôi không hoàn, không hủy, nhưng trong trường hợp này, tôi có thể được đặc cách để hoàn lại tiền không? Tôi phải làm gì để đảm bảo quyền lợi của mình?”.
Hiện nay, không có luật, văn bản, điều khoản nào điều chỉnh cụ thể vấn đề nêu trên. Tuy nhiên, pháp luật có chế định áp dụng tương tự pháp luật, trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Bộ Luật Dân sự hoặc án lệ, lẽ công bằng. Nghĩa là, một vấn đề, lĩnh vực nào đó trong đời sống xã hội chưa có luật điều chỉnh cụ thể thì có thể áp dụng những điều khoản luật tương tự, những văn bản luật liên quan hoặc tập quán, án lệ để giải quyết tranh chấp. Theo đó, như trường hợp bạn nếu thì chủ DN có đầy đủ cơ sở pháp lý để tạm hoãn việc nghỉ phép của nhân viên.
Trong trường hợp này, người lao động cũng cần chia sẻ với DN. Hãy nghĩ xa và sâu hơn về việc vì sao chủ DN lại ra quyết định tạm hoãn cấp phép cho nhân viên. Phải chăng trong trường hợp này, chủ DN xem nhân viên như là một báu vật không thể mất đi. Chủ DN lo sợ rằng khi nhân viên đi nước ngoài sẽ bị lây dịch bệnh và rất có thể không chữa khỏi.
Xem thêm: HRIS – Giải pháp phần mềm quản lý nhân sự tốt nhất hiện nay
Trong trường hợp trên, người lao động cũng cần kiểm tra xem từ trước đến nay có bao giờ chủ DN hành xử đối với nhân viên như vậy mà không có lý do chính đáng hoặc không phải rơi vào hoàn cảnh cấp thiết như trong bệnh dịch hiện nay.
Hoặc người lao động cũng nên đặt vị trí của mình vào vị trí lãnh đạo DN trong bối cảnh hiện tại, khi mà các nguyên thủ quốc gia và nhân loại ra sức chống dịch, kêu gọi việc chống dịch không thể một mình chính quyền chịu trách nhiệm và làm được mà phải cần có sự đóng góp sức lực, trí tuệ, tài sản và cả sự hy sinh của người dân.
Vậy thì có nên chăng khi đặt quyền lợi cá nhân lên trên quyền lợi của cộng đồng, có nên chăng sẽ quyết liệt khởi kiện chủ DN nơi mà bao lâu nay mình đã gắn bó, nơi mà bao lâu nay đã tạo điều kiện cho mình việc làm, tạo điều kiện cho mình thăng tiến.
Nói như thế nhưng chủ DN cũng phải thấu hiểu những thiệt thòi của nhân viên. Dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của rất nhiều DN nhưng cũng rất nhiều chủ DN vẫn cố gắng trả lương cho nhân viên. Bởi thế, khi nhân viên đặt vấn đề về quyền lợi và đặc cách thì nên suy xét đến tình cảnh của bao người khác, dẫu biết rằng không ai bắt mình phải có trách nhiệm với người khác nhưng ở đây là sự sẻ chia khi hoạn nạn, là tính nhân văn trong cuộc sống.
Thế nên, đừng quá tính toán đúng sai trong hoàn cảnh dịch Covid-19 đang gây tai họa của nhân loại. Với tình hình hiện tại, có thể hiểu lý do vì sao chủ DN ra quyết định tạm hoãn cấp phép nghỉ dưỡng cho nhân viên. Tuy nhiên, khi ra quyết định tạm hoãn cấp phép cho nhân viên, chủ DN cần thể hiện tinh thần trách nhiệm, chia sẻ một phần thiệt hại của nhân viên do hoàn cảnh bất lợi làm ảnh hưởng đến quyền lợi của họ.
Sưu tầm bởi EMSC – Phần mềm quản lý nhân sự hiệu quả