10 bí quyết quản trị của người giàu nhất lịch sử Mỹ John D. Rockefeller

10 bí quyết quản trị của người giàu nhất lịch sử Mỹ John D. Rockefeller

john d rockefeller

Rất lâu trước khi Jeff Bezos trở thành người giàu nhất thế giới, vị trí đó từng thuộc về tỷ phú John D. Rockefeller – người Mỹ giàu nhất trong lịch sử nước Mỹ và những bí quyết quản trị của ông vẫn là những bài học cho đến tận ngày nay.

John D.Rockefeller là vị chủ tịch kiêm nhà sáng lập Standard Oil Company trở thành vị tỷ phú đầu tiên của nước Mỹ vào năm 1916. Thời điểm đó, tài sản của Rockefeller xấp xỉ 2% giá trị nền kinh tế Hoa Kỳ. Nếu tính theo lạm phát thì tài sản của ông vua dầu mỏ sẽ gần 30 tỷ USD ngày nay.

Ước tính nếu Jeff Bezos – người giàu nhất thế giới hiện nay muốn sở hữu 2% giá trị nền kinh tế Hoa Kỳ giống như Rockefeller thì tài sản ròng của ông chủ Amazon phải có khoảng 400 tỷ USD; hơn gấp đôi tài sản của vị tỷ phú đang có.

Dưới đây là 10 bí quyết quản trị thành công của Rockefeller – những hành trang quan trọng đã giúp vị tỷ phú cách mạng hoá nền công nghiệp dầu mỏ cũng như đưa ông đến vị trí giàu có năm xưa.

1. Trung thực và đáng tin cậy

Rockefeller là một người trân trọng sự thật. Ông không bao giờ giả mạo số liệu hay đổi trắng thay đen. Và đặc biệt, ông luôn trả nợ đúng hạn và chính điều này đã giúp Rockefeller giành được sự tín nhiệm rất cao từ giới ngân hàng; những người đã nhiều lần giải cứu công việc kinh doanh của ông.

2. Biết dành thời gian nghỉ ngơi

Dù thành công và bận rộn nhưng ông không phải người chỉ biết tới công việc. Trong quyển hồi ký của mình, ông từng viết: “Tôi cảm thấy không có gì đáng khinh thường và thảm hại hơn một người mở mắt ra là lao đầu vào kiếm tiền chỉ để có tiền mà thôi.”

Ngày nào ông cũng dành thời gian chợp mắt sau bữa ăn trưa và tối. Vào giữa những năm 30 tuổi, ông còn dành 3 đến 4 buổi chiều trong tuần ở nhà làm vườn hay tản bộ. Nhờ biết dành thời gian nghỉ ngơi, vị tỷ phú có thể tự điều chỉnh nhịp điệu làm việc cũng như nâng cao năng suất của chính mình.

3. Có lịch làm việc cụ thể

Rockefeller lên lịch làm việc mỗi ngày một cách đều đặn và có quy luật. Mỗi tiếng đồng hồ đều được ông phân chia một cách bất di bất dịch và chặt chẽ từ trước bất kể là công việc, gia đình, tín ngưỡng hay là tập thể dục.

Chính lịch làm việc nghiêm ngặt này đã giúp ông có một cái đầu lạnh và sự bình tĩnh để vận hành đế chế dầu mỏ của mình.

4. Sát sao vấn đề tài chính của công ty

Nhìn xa trông rộng là yếu tố cần phải có trong phong cách lãnh đạo của Rockefeller. Ông vua dầu mỏ này có một cuốn sổ ghi chép tất cả số liệu tài chính của công ty cũng như là từng chi phí một, chính xác đến con số thập phân cuối cùng.

Bằng cách này, Rockefeller có thể so sánh các hoạt động cũng như công ty con của mình. Điều này giúp ông thoát ly khỏi những đánh giá chủ quan cũng như các báo cáo sai lệch từ cấp dưới.

Ông đã từng chia sẻ “Tôi đánh giá hoạt động của mình thông qua các con số và không gì khác ngoài các con số.”

5. Biết uỷ quyền nhiệm vụ

Để có thể điều hành tốt tập đoàn lớn như Standard Oil Company, Rockefeller chắc chắn phải uỷ quyền trách nhiệm cho người khác. Thực tế, một trong những mục tiêu gối đầu của Rockefeller là phải huấn luyện cấp dưới làm sao để họ làm được công việc của cấp trên.

“Chẳng ai phải mất công làm việc nếu như anh ta có thể tìm được bất kỳ người nào khác làm thay. Ngay khi có thể, hãy tìm một người mà cậu có thể tin tưởng, đào tạo anh ta làm việc, sau đó ngồi xuống và vắt tay lên trán suy nghĩ xem làm cách nào để Standard Oil kiếm ra tiền.”

6. Theo đuổi sự hoàn hảo

Rockefeller là người theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo và ông sẽ từ chối bất cứ việc gì nửa vời. Dù ở vị trí đứng đầu, ông đã viết hàng trăm ngàn bức thư với nhiều yêu cầu chỉnh sửa vô cùng kỹ lưỡng.

Một phụ tá thân cận cho hay vị tỷ phú kĩ càng trong từng chữ ký với sự tập trung rất cao như thể ông đang hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật. Tính cách này của vị tỷ phú không chỉ giữ cho riêng mình mà còn truyền ra cả công ty và là một phần trong văn hoá doanh nghiệp.

7. Tạo sự đoàn kết

Biệt tài của Rockefeller là khả năng tạo động lực cho nhân viên. Ông luôn biết cách hoà hợp nội bộ và hoà giải tranh chấp giữa các giám đốc điều hành của Standard Oil. Rockefeller sẽ lắng nghe ý kiến của mọi người trước khi nói lên quan điểm của mình và sau đó là đưa ra thoả hiệp để duy trì sự đoàn kết.

Thay vì ra lệnh hay chỉ tay, Rockefeller thường bày tỏ quan điểm dưới dạng khuyến khích hay đặt câu hỏi. Ông sẽ không thực hiện bất kỳ một sáng kiến nào mà thành viên của hội đồng quản trị phản đối, và tất cả các quyết định kinh doanh phải đáp ứng “bài kiểm tra cao nhất về sự đồng thuận”.

john d rockefeller

8. Thiết lập mối quan hệ giúp đỡ nhau

Mặc dù giữa Rockefeller và các lãnh đạo công ty tồn tại nhiều tranh luận, nhiều lúc “cơm không lành, canh không ngọt”; song rất ít có sự cãi vã vì những điều nhỏ nhặt hay ghen ghét lẫn nhau. Mối quan hệ khăng khít của họ bắt nguồn từ một lý tưởng chung mà tất cả cùng cố gắng hướng tới. Mối dây liên kết mạnh mẽ này mang lại sự đồng thuận và nhất quán trong cách dẫn dắt và điều hành ở Standard Oil.

9. Nuôi dưỡng sự cạnh tranh

Nếu không có cạnh tranh, một công ty sẽ sớm trở thành một gã ù lì già cỗi. Ở Standard Oil khích thích sự cạnh tranh bằng cách đưa ra những con số thống kê năng lực và khuyến khích các công ty con thi đua với nhau để lập kỷ lục hay giành phần thưởng. Như Rockefeller nói “những sự khích thích mang lại cơ hội thể hiện cho người giỏi nhất sẽ dẫn đến quá trình cạnh tranh chủ động và quyết liệt”.

10. Biết tôn trọng nhân viên

Vị tỷ phú tin rằng thành công của ông bắt nguồn từ sự hỗ trợ của nhân viên. Ông rất biết cách để nhân viên tự chủ động trong công việc, luôn khéo léo, hoà nhã với công nhân cấp thấp, không giận dữ khi nghe chỉ trích và luôn điềm đạm trong những tình huống căng thẳng.

Mặc dù ít khi khen ngợi nhân viên, Rockefeller sẽ trao quyền và sự tự do rất lớn cho những người mà ông xem là đáng tin cậy. Chính điều này làm cho nhân viên của Standard Oil luôn kính trọng và muốn làm hài lòng vị sếp của mình.

Sưu tầm bởi EMSC – Giải pháp quản lý nhân sự hiệu quả

Rate this post
(028) 7777 9979