Lãnh đạo một đội ngũ gồm các cá thể với các cá tính đa dạng không phải là một công việc đơn giản. Là một lãnh đạo xuất sắc, bạn phải là những người có khả năng xoay xở để hòa hợp những cá tính đó với nhau nhằm khai thác được năng lực tốt nhất từ các thành viên trong nhóm của mình. Dưới đây là những chia sẻ thú vị của Joseph Folkman – nhà đồng sáng lập tổ chức Zenger Folkman (Hoa Kỳ) để có thể xây dựng một đội ngũ hiệu quả.
Bạn đã từng là thành viên của một đội ngũ tuyệt vời? Đội ngũ mà bạn yêu thích đến mức, mỗi buổi sáng tưởng chừng như bạn bật ra khỏi giường để tới đó. Là nhóm cho bạn một nguồn năng lượng tích cực, khuyến khích bạn thực hiện các mục tiêu mà bạn nghĩ là mình không thể thực hiện. Đây cũng là nơi cho bạn một cảm giác tuyệt vời và bạn hoàn toàn có thể tin tưởng rằng các thành viên còn lại sẽ ủng hộ bạn hết mình trong mọi tình huống. Cuối cùng, trong nhóm này, bạn cảm thấy công việc mình làm mỗi ngày thú vị như những chuyến phiêu lưu.
Vậy bạn đã bao giờ ở trong một đội ngũ tưởng như “địa ngục trần gian” chưa? Là nhóm nơi mà xung đột và tranh cãi liên tục xảy ra, bạn phải rất cẩn trọng để không làm mất lòng ai đó hoặc làm sai điều gì. Ở đây, bạn phải che giấu cảm xúc thật của bản thân và nơm nớp lo sợ lời nói của mình sẽ làm phật ý ai đó. Mọi người sợ hãi, cúi đầu và đeo những chiếc mặt nạ cho riêng mình, thậm chí họ sẵn sàng hãm hại bạn để đạt được mục đích của bản thân. Công việc là nỗi ám ảnh đối với bạn, mỗi ngày làm việc đều trôi qua vô vị và mệt mỏi. Bạn chỉ ước hôm nay là cuối tuần để thoát khỏi đó.
Có thể thấy, việc xây dựng đội ngũ làm việc hiệu quả là yếu tố tiên quyết của bất cứ tổ chức và cá nhân nào mong muốn đạt kết quả cao trong công việc, giúp ích cho cả nhân viên và doanh nghiệp trong việc nâng cao năng suất và cải thiện bầu không khí trong nhóm. Tổ chức Zenger Folkman đã tiến hành nghiên cứu và chỉ ra 5 hành vi cơ bản mà lãnh đạo có thể sử dụng để gia tăng sự cam kết trong đội nhóm, gồm:
Các đội ngũ đạt hiệu suất làm việc cao thường sẽ được “kéo” nhiều hơn “đẩy”. Nhà lãnh đạo nếu biết cách thiết lập các mục tiêu “kéo dãn” sẽ tạo ra được động lực to lớn cho các nhân viên. Bởi vì, phần bản năng trong mỗi con người chúng ta là muốn làm được điều gì đó phi thường mà người khác không thể làm được, đây chính là nhu cầu “thể hiện mình”. Nếu nhân viên của bạn muốn làm một điều gì đó phi thường, bạn hãy tạo cơ hội cho họ bằng cách thiết lập những mục tiêu đột phá, để mỗi nhân viên cảm thấy được truyền cảm hứng, được thấy những gì họ làm có tầm quan trọng và đặc biệt, họ được tự hào khi được là một thành viên của đội.
Mâu thuẫn, xung đột có thể xé tan các đội ngũ và điều lãnh đạo cần làm chính là giải quyết các mâu thuẫn trên một cách nhanh chóng và thúc đẩy tinh thần hợp tác giữa các thành viên. Nhiều lãnh đạo cho rằng người trưởng thành thường tự biết cách giải quyết xung đột. Nhưng nếu đó là sự thật, thì sẽ không có chuyện ly dị, ly thân hay chiến tranh. Trong các nhóm có tinh thần gắn kết tạo hiệu suất làm việc cao, mâu thuẫn sẽ được giải quyết nhanh chóng và trực tiếp với nhau. Điều này đòi hỏi một mức độ trưởng thành đồng đều giữa các thành viên trong nhóm. Trong làm việc nhóm, sự hợp tác bao giờ cũng tốt hơn cạnh tranh.
Các nhà lãnh đạo biết cách thiết lập các mục tiêu hay đưa ra định hướng lâu dài sẽ tạo ra động lực lớn từ bên trong với các thành viên trong nhóm để hoàn thành những điều không thể. Không ai thực sự muốn làm việc hay làm điều gì đó mà bất kỳ đội nhóm nào cũng có thể có thể hoàn thành; thay vào đó, họ muốn làm một cái gì đó phi thường. Khi đã hoàn thành một điều gì đó phi thường, họ nhận ra rằng cá nhân họ có khả năng và năng lực, rằng họ là người đặc biệt. Từ đó, sự hài lòng với công việc, sự gắn kết và niềm tự hào của họ đều tăng lên.
Hãy phá vỡ những khuôn mẫu trước đây và giúp các thành viên trong nhóm tập trung vào các mục tiêu phía trước. Lãnh đạo của những đội ngũ đạt hiệu suất cao luôn giữ chính kiến của mình, họ là những người liên tục truyền cảm hứng và khiến mọi người tập trung vào việc hoàn thiện tầm nhìn và sứ mệnh. Nếu không đốc thúc, chắn chắn các nhân viên trong nhóm sẽ phân tâm và bị chi phối bởi các yếu tố hấp dẫn khác bên ngoài. Lãnh đạo của những nhóm đạt hiệu suất làm việc cao là người luôn mang đến cho nhân viên những thông tin được theo dõi và cập nhật kịp thời.
Nếu lãnh đạo nhóm là một người không đáng tin cậy, họ sẽ không thể truyền cảm hứng hoặc được tin tưởng để giải quyết các xung đột, không thể giúp nhóm đặt ra các mục tiêu dài hạn hoặc tin vào những thông tin mà họ truyền đạt. Sự thiếu tin tưởng sẽ làm chậm mọi quá trình. Zenger Folkman đã chỉ ra 3 trụ cột cơ bản để xây dựng niềm tin. Trụ cột đầu tiên của niềm tin chính là các mối quan hệ. Chúng ta chỉ tin tưởng những ai mà chúng ta có cảm tình, chúng ta tin tưởng bạn bè của mình còn đối với đối thủ thì ngược lại. Xây dựng các mối quan hệ tích cực cũng làm tăng niềm tin. Trụ cột thứ hai của niềm tin là kiến thức hoặc chuyên môn. Chúng ta chỉ tin tưởng những người có câu trả lời đúng hoặc có tầm nhìn rộng và sâu sắc. Chúng ta cũng chỉ tin những người sử dụng kiến thức và kỹ năng của họ để giúp người khác giải quyết các vấn đề. Trụ cột thứ ba của niềm tin là sự nhất quán. Khi bạn đặt mục tiêu hay bạn nói rằng mình sẽ làm gì đó và bạn làm được điều đó thì bạn sẽ có được niềm tin từ mọi người. Sự nhất quán và việc biết giữ lời sẽ giúp bạn trở thành một người có thể tin tưởng.
Gia tăng sự cam kết của đa số thành viên giúp bạn xây dựng một đội nhóm hiệu suất cao, thoát khỏi nhóm “địa ngục” hoặc vượt qua cạm bẫy hiệu suất trung bình. Điều này chưa bao giờ dễ dàng, nhưng thành quả của nó xứng đáng để bạn nỗ lực.
Sưu tầm bởi EMSC – Giải pháp quản lý nhân sự hiệu quả