Đại dịch khiến nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh và buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm bớt nhân sự, giảm lương, giảm giờ làm… Vậy làm thế nào để những nhân sự còn lại tiếp tục cống hiến và làm việc hết mình cho doanh nghiệp và làm thế nào để tiếp thêm lửa cho nhân viên?
Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp bị giảm doanh thu, phải hướng tới các phương án cắt giảm để duy trì hoạt động. Covid-19 ảnh hưởng rất nhiều đến nền kinh tế và chi phí vận hành của doanh nghiệp. Các biện pháp được các doanh nghiệp áp dụng như: cắt giảm phụ cấp (điện thoại, đi lại…), cắt giảm giờ làm, làm việc luân phiên… Trong số các giải pháp mà doanh nghiệp thực hiện, giảm lương là phương án hay được sử dụng.
Điều này khiến nhân sự rất dao động vì họ một mặt phải làm việc nhiều hơn để bù cho số lượng nhân viên bị sa thải; mặt khác với khối lượng công việc như vậy họ còn bị giảm lương. Tình trạng này kéo dài dễ dẫn tới việc nhân viên bắt đầu nhảy việc, lơ là và không còn động lực làm việc nữa.
Nếu doanh nghiệp phải cắt giảm lương, hãy đảm bảo đáp ứng các yếu tố thúc đẩy nhân viên làm việc. Nhiều thống kê cho thấy có nhiều yếu tố khiến nhân viên nhiệt huyết và muốn gắn bó cho công ty như chế độ, khen thưởng, phúc lợi, môi trường làm việc, văn hoá doanh nghiệp, cơ hội phát triển, công cụ giao tiếp và quản lý nhân sự, cơ hội nghề nghiệp, thăng tiến, lãnh đạo…
Theo ông Nguyễn Thành Nam – Sáng lập FUNiX cho rằng, theo văn hoá người Việt, càng khó khăn chúng ta sẽ đoàn kết với nhau. Nhân sự sẽ càng thấy trách nhiệm của mình với doanh nghiệp hơn khi giữa họ và doanh nghiệp có mối quan hệ chặt chẽ. Lúc này, việc truyền thông nội bộ được đánh giá cao, hãy truyền thông để nhân sự hiểu và thấy được thách thức mà công ty đang gặp phải, người lao động sẽ hiểu, chia sẻ và đồng hành cùng doanh nghiệp.
Khi công ty gặp khó khăn thì những yếu tố để thu hút và giữ chân nhân sự như lương, thưởng, phúc lợi sẽ bị cắt giảm. Và khi những yếu tố này bị tạm dừng thì “văn hoá doanh nghiệp” chính là sợi dây chắc chắn nhất để kết nối người lao động và tiếp lửa nhân sự trong giai đoạn khó khăn. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp lại không chú trọng và tập trung vào yếu tố này.
Dịch bệnh có thể kéo dài và doanh nghiệp phải tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn trong thời gian sắp tới. Việc xây dựng một văn hoá doanh nghiệp vững mạnh, kết nối với nhân viên, chiếm được lòng tin và tạo động lực cho nhân viên là những “công thức” quan trọng để vượt qua khó khăn lúc này.
Muốn người lao động gắn bó hơn với doanh nghiệp thì ngoài văn hoá doanh nghiệp, công ty nên có những chính sách ưu đãi, phát triển nguồn nhân lực khi doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn. Khen thưởng, lương thưởng, tăng lương, thăng tiến…là những chính sách phù hợp để thay lời cảm ơn, động viên và hỗ trợ nhân viên đã cùng công ty vượt khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
Bên cạnh đó, việc đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho nhân sự trong giai đoạn khó khăn cũng là yếu tố cần thiết. Bởi nhân sự càng có chuyên môn càng nâng cao được năng suất, chất lượng làm việc. Một nhân sự giỏi có thể “cân” công việc của nhiều người khác mà không ảnh hưởng đến tiến độ. Việc phát triển năng lực cho các nhân viên ở lại không chỉ đến từ lớp học mà còn có thể học qua trải nghiệm, làm dự án mới, qua người lãnh đạo, cho nhân viên trực tiếp tham gia các dự án khách nhau để học hỏi và tích luỹ kinh nghiệm.
Sưu tầm bởi EMSC – Giải pháp quản lý nhân sự hiệu quả