Năm 2023 đã bước sang giai đoạn thứ 3, giai đoạn tăng tốc gần cuối năm. Thị trường kinh tế các khối ngành sản xuất, xây dựng, dệt may – da giày vẫn còn khá ảm đạm. Tuy nhiên tình hình tuyển dụng quý III vẫn khả quan với một số ngành nghề đang “khát” nhân sự.
Trong đó, cả nước có 52,3 triệu người tham gia thị trường lao động (tăng 100.000 người so với quý I). Tuy nhiên, cũng có 1,07 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp (tăng 25.400 người so với quý I).
Theo Bộ LĐ-TB-XH, các nghề tuyển dụng nhiều nhất như: kế toán, nhân viên hành chính văn phòng, kỹ sư công nghệ thông tin, dịch vụ khách hàng và quảng cáo – marketing (tiếp thị). Những nhóm ngành được nhà tuyển dụng săn tìm là thông tin truyền thông, tài chính – ngân hàng – bảo hiểm, bán buôn bán lẻ – sửa chữa xe, hành chính và dịch vụ hỗ trợ…
Bộ LĐ-TB-XH dự báo tình hình tuyển dụng trong quý III; 3 ngành có nhu cầu tăng việc làm là dịch vụ ăn uống (tăng 114.000 người), bán buôn (105.000 người), sản xuất thiết bị điện (69.700 người). Trong khi đó, một số ngành sẽ tiếp tục giảm nhiều việc làm như: sản xuất trang phục (dự kiến giảm 123.000 người); nông nghiệp và hoạt động dịch vụ (78.000 người); bán lẻ (32.000 người).
Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM; hiện nhu cầu tuyển dụng cao nhất là nhóm ngành kinh doanh thương mại với hơn 38.000 chỗ làm việc (chiếm 25% tổng nhu cầu toàn thành phố trong 6 tháng đầu năm).
Tập trung ở các vị trí nhân viên như: bán hàng và tư vấn bán hàng, kinh doanh, giám sát bán hàng, cộng tác viên bán hàng trên mạng…
Xếp thứ 2 là nhóm ngành dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ cần hơn 14.000 người (chiếm hơn 9%), ở các vị trí như: nhân viên giao hàng, bảo vệ, đóng gói hàng hóa, chăm sóc sắc đẹp, dọn dẹp vệ sinh, công việc dịch vụ thêm ngoài giờ hành chính…
Đứng thứ 3 là nhóm ngành kế toán – kiểm toán với nhu cầu tuyển dụng gần 12.000 chỗ làm việc (chiếm gần 8%).
Những ngành “hot” nhiều năm nay như công nghệ thông tin chỉ có nhu cầu tuyển dụng gần 7.000 chỗ làm việc (chiếm 4,5%); ngành marketing cần 6.000 người (gần 4% tổng nhu cầu nhân lực)…
>>> Có thể bạn muốn xem